Đang ngồi nghĩ tới học sinh lớp 12 sắp bước vào kì thi tốt nghiệp, đại học, một kì thi quan trọng đánh dấu bước ngoặt của thời trung học, một ngã rẽ lớn của cuộc đời. Hồn nhiên tự mình đặt câu hỏi là không biết “chúng nó” bây giờ ôn thi như thế nào? Có thức khuya, dậy sớm học bài hay không? Khi ôn thi có được tẩm bổ những đồ ăn ngon, quý hiếm như mình ngày xưa hay không? Và nhiều cái linh tinh khác nữa…Thế là trong ta lại gợi nhớ chút kỉ niệm thời học sinh, thời ôn thi đại học, một thời máu lửa, đành dùng bàn phím thay ngòi bút viết lên nhật kí của riêng mình, tâm sự cùng các bạn trẻ thời @.
Mỗi thời một khác, không thể lấy ngày xưa để đem so sánh với ngày nay, như thế là tụt hậu so với thế giới. Đặc biệt là chúng ta rất không thích cái câu nói của các cụ ta rằng: “Chúng mày bây giờ sướng hơn chúng tao ngày xưa nhiều, chúng tao ngày xưa á, phải làm thế này…phải làm thế nọ…chỉ được thế này… chỉ được thế nọ…” nhiều lắm các bạn ạ.
Hôm nay gợi nhớ chút kỉ niệm xưa, cũng như các bạn hiện ôn thi bây giờ đang khao khát, đang ước mơ và nhiều hy vọng lắm. Cái ngày xưa đó như thế nào nhỉ?
“DÉP TỔ ONG” NÂNG BƯỚC CHÂN TỚI TRƯỜNG
Điều thầy muốn nói với chúng ta ở đây chính là kể về người bạn đã cùng mình song hành nhiều năm tới trường. Người bạn này đã không quản ngại khó khăn, mưa nắng và “xấu hổ” nữa để nâng bước chân anh tới trường.
Các bạn có thể thấy người bạn của thầy ngày trước nó là như thế này đây .
Vâng, nếu anh “không vá” thì không còn gọi là “mốt” thời đó nữa rồi. Đi dép như thế này mới gọi là nhiều người yêu, nhiều người quý, nhiều bạn bè thân. Anh chàng hay cô nàng nào mà được bố mẹ mua cho đôi tổ ong mới là ta cứ phải đi ở nhà cho nó “bẩn” hoặc ít ra nếu “Ai thông minh hơn học sinh lớp 5” thì cũng biết lấy ít bùn đất bôi lên cho nó “ngầu” một tý rồi mới dám đi tới lớp. Vì ba chữ rất to “NGẠI” và “XẤU HỔ”
Nhiều ông bạn không biết cách làm cho nó “bớt mới” hay “đỡ sạch” thì khi đến lớp là phải khép nép, ra chơi thường cứ ngồi ì một chỗ, nếu có chơi thì cũng phải e thẹn, chỉ sợ bạn bè thấy dép mới lại trêu cho một trận. Ngay lúc đó như có một ông mặt trời mọc lên từ hai “má”.
Không giống như các bạn bây giờ, mới chuẩn bị đi mua dép mới thôi mà trên face đã phải có vài cái ảnh kèm đôi lời tâm sự “chuẩn bị là được đi mua dép ha”, “em là em sắp đi shoping rồi nhé” và bla bla bla nữa. Đó là một chút kỉ niệm thời học sinh, à mà phải gọi là thời “các cụ” có lẽ đúng hơn chứ nhỉ.
“MILIKET” CÙNG ANH HÀNH QUÂN ĐÊM THÂU
Uh thì thấy con cái học hành, thi cử vất vả, gầy dộc cả người nên bố mẹ cũng thương thương và lo lo. Thỉnh thoảng động viên con cái “Ôn thi vất vả thì mua mấy gói mì Miliket về mà ăn đêm con ạ, lấy sức mà ôn thi chứ”. Nghe thấy như thế đã vui lắm rồi, thỉnh thoảng mới được gói Miliket. Hằng ngày mấy khi được ăn mì tôm đâu, có muốn ăn cũng phải chờ tới lúc “Ốm”. Mấy thằng em nghe thấy thằng anh được ăn hẳn mấy gói mì tôm, chúng nó thèm mà ghê gớm.
Nhưng các bạn có biết không, những hôm có mì tôm Miliket (vang bóng một thời đó) thì vui lắm, những lúc ôn thi cũng thấy đỡ mệt mỏi hẳn, tinh thần sẳng khoái lên và hôm đó cảm thấy không đau đầu mấy.
Các bạn đang nghĩ chắc Miliket rất nhiều chất bổ giúp tinh thần ôn thi tốt hơn lên phải không? cũng đúng một phần, nhưng cái chính là do lý do sau: Mì tôm tối đến thường vò nhỏ ra ăn (có bạn nào thích ăn như vậy không?), ngồi học thì gói mì tôm để ngay trước mặt, cứ ngước lên là nhìn thấy nó. Thế là học thì chẳng được bao nhiêu, mì tôm thì cứ hết dần đều. Bảo sao hôm đó thấy thoải mái thế. Những tháng năm học trò, những ngày ôn thi đáng nhớ.
Chắc các bạn đang nghĩ ông thầy giáo nghèo này lại đang chém gió rồi phải không? Không đâu, nó là thật đấy.
Các bạn bây giờ chắc không có nhiều người biết về gói mì này nữa. Thời nay các bạn được phụ huynh đầu tư cho việc bồi bổ sức khỏe đầy đủ hơn rất nhiều.
Có khi còn được kén chọn ấy chứ. “Mẹ mua loại sữa này thì con uống sao nổi”, “Bánh khô thế này mà mẹ cũng mua được sao”….
ĐỒNG HỒ GỌI ANH DẬY, TỔ ONG SẴN SÀNG BAY
Cái thời ôn thi đó ai cũng sắm cho mình cái đồng hồ hẹn giờ, đổ chuông. Kế hoạch học tập ghê gớm lắm, ở lớp thấy mấy cô bạn lập thời gian biểu dành cho ôn tập các môn, về nhà cũng bắt trước làm thời gian biểu. Sáng là cứ phải bắt em đồng hồ kêu lúc 4h-4h30, nhưng đôi khi có hôm thực hiện được còn hầu như là cứ phải 6h mới dậy.
Chỉ khổ thân cái em đồng hồ, đã thức cả đêm để chờ tới giờ gọi anh sĩ tử dậy học bài thế mà khổ thay lại thường xuyên bị hai anh em nhà “dép tổ ong” bay tới, đập liên tục vào đầu và người đến nỗi sợ quá không dám đổ chuông nữa. Thế là sĩ tử cứ thế mà ngủ ngon, ôn thi cứ phải tới sáng mai rồi tính tiếp. Em đồng hồ loại này thời đó, bây giờ có khi không còn bán nữa.
Kết luận: thời gian biểu do mình lập ra nên ta thích là có thể thay đổi ngay được. Kỉ niệm thời học sinh ôn thi đại học là như vậy đó, nhưng chưa hết đâu.
SUB ĐĂNG KÍ KÊNH GIÚP THẦY NHÉ