Khi nghe tiêu đề bài viết “Dùng mệnh đề toán học phân tích ca dao” hẳn nhiều bạn sẽ rất ngạc nhiên, tò mò không hiểu toán học và văn học lại logic với nhau như thế nào? Bài viết hôm nay chỉ mang tính chất cảm nhận và suy nghĩ của cá nhân, không mang tính chân lý toán học các bạn nhé. Tức là có thể đúng và cũng có thể sai. Câu nói này không phải là mệnh đề toán học rồi, mâu thuẫn quá các bạn nhỉ.
Vấn đề mà thầy sẽ chia sẻ ngay sau đây là chúng ta sẽ sử dụng mệnh đề trong toán học để cũng phân tích câu ca dao nổi tiếng của nhân dân ta (cũng không nhớ có phải ca dao không nữa).
“Bao giờ Chạch đẻ ngọn đa, Sáo đẻ dưới nước thì Ta lấy mình”.
Ý muốn nói trong câu ca dao này là các cụ ta ngày xưa rất giỏi, đã biết vận dụng toán học một cách thông minh vào cuộc sống, đặc biệt là trong chuyện tình cảm, tình yêu đôi lứa.
Phân tích câu ca dao trên để các bạn thấy được rằng: Dù Chạch có đẻ ngọn đa, Sáo có đẻ dưới nước hay không thì cuối cùng là Các cụ ta vẫn sẽ thuộc về nhau.
Trước khi đi vào “ngâm cứu” chúng ta hãy cùng nhau điểm qua một chút lý thuyết về mệnh đề để có cái gọi là “cơ sở” mà mổ sẻ, phanh phui… ý nghĩa toán học trong câu ca dao tình yêu trên.
1. Mệnh đề là gì?
Trong toán học mệnh đề có thể được định nghĩa như sau: Mệnh đề là một câu khẳng định đúng hoặc một câu khẳng định sai. Câu khẳng định đúng là mệnh đề đúng, câu khẳng định sai là mệnh đề sai. Mệnh đề không thể vừa đúng vừa sai. Thầy sẽ lấy một ví dụ đơn giản để các bạn hiểu rõ hơn vậy.
Mệnh đề đúng: “2 là một số chẵn” hoặc “Cu là kí hiệu hóa học của đồng”
Mệnh đề sai: “2 là một số lẻ” hoặc “Ba là kí hiệu hóa học của Bố”
Không phải mệnh đề: “Hôm nay trời đẹp thế!” hoặc “Ôi! Mệnh đề đau đầu quá” đây là các câu cảm thán.
Khi nói tới mệnh đề thì ta có mệnh đề phủ định, mệnh đề kéo theo, mệnh đề tương đương… nhưng trong bài viết này thầy sẽ sử dụng tới mệnh đề kép theo.
2. Mệnh đề kéo theo
Cho hai mệnh đề P và Q. Mệnh đề “Nếu P thì Q” được gọi là mệnh đề kéo theo và kí hiệu là $P \Rightarrow Q$.
Mệnh đề $P \Rightarrow Q$ còn được phát biểu là “P kéo theo Q” hoặc “từ P suy ra Q”.
Chúng ta có các tình huống sau sảy ra:
Nhìn vào bảng giá trị chân lý các bạn thấy cột $P \Rightarrow Q$ chỉ sai khi “P đúng và Q sai”, đúng trong các trường hợp còn lại. Tức là nếu P có sai thì $P \Rightarrow Q$ luôn luôn đúng. Có thể nói rằng nếu P sai thì muốn suy ra cái gì thì suy, suy kiểu gì thì $P \Rightarrow Q$ vẫn luôn luôn đúng.
Vậy tới đây thì mệnh đề nó liên quan gì tới cái câu ca dao kia, nghe có vẻ vô lý nếu áp dụng cái toán học khô cứng này vào câu ca dao mềm mại. Chẳng có nhẽ…chẳng có nhẽ… thầy chỉ giật “TIT” cho nó kêu thôi sao.
Các bạn cứ từ từ nhé, rồi sẽ thấy cái gọi là LOGIC của mệnh đề trong văn học, đặc biệt trong trường hợp này. Bên trên thầy cần phải đưa ra một chút lý thuyết liên quan, biết đâu có bạn không nhớ mệnh đề là gì? mệnh đề kép theo là gì?
Bây giờ chúng ta cùng vào vấn đề chính nhé:
3. Mổ sẻ câu ca dao bằng mệnh đề.
Phân tích câu ca dao để các bạn thấy được rằng
“Bao giờ Chạch đẻ ngọn đa, Sáo đẻ dưới nước thì Ta lấy mình”.
Nếu như bình thường, trong cuộc sống hàng ngày mỗi khi chúng ta muốn từ chối ai đó trong chuyện tình cảm thì thường sử dụng câu ca dao trên. Đây như là một lời thách đố đối phương và muốn sử dụng những sự kiện không thể sảy ra để thách thức, từ chối lời cầu hôn của người đang theo đuổi. Tức là muốn ám chỉ việc Ông (hay Bà) muốn lấy tôi sẽ không bao giờ sảy ra.
Nhưng thực sự mà nói thì một đám cưới luôn luôn sảy ra khi ta sử dụng câu ca dao trên để trả lời đối phương, tức là việc tôi lấy mình luôn luôn đúng. Tại sao lại như vây? Có lẽ sẽ rất nhiều bạn đang thắc mắc chưa hiểu chuyện gì đang diễn ra.
Để các bạn có thể hiểu được ý nghĩa thực sự của nó thì thầy sẽ tạm giải thích như thế này nhé:
Ta sẽ gọi mệnh đề P là: Chạch đẻ ngọn đa, Sáo đẻ dưới nước
Mệnh đề Q là: Ta lấy mình
Theo như cách gọi ở trên thì mệnh đề P là một mệnh đề sai. Vì Chạch không thể đẻ ở ngọn đa và Sáo thì không bao giờ đẻ dưới nước.
Như vậy nếu P đã là một mệnh đề sai thì cho dù Q có đúng hay sai thì cũng không quan trọng nữa. Lúc này mệnh đề $P \Rightarrow Q$ sẽ luôn luôn đúng. Tức là Chạch đẻ ngọn đa, Sáo đẻ dưới nước hay không thì Ta vẫn sẽ lấy mình.
Các bạn để ý kỹ vào bảng giá trị chân lý bên trên sẽ thấy, khi P sai thì Q có đúng hay sai thì mệnh đề $P \Rightarrow Q$ vẫn luôn luôn đúng.
Vậy là một khi Ông bà ta mà đã thích nhau rồi thì không có gì là không thể. Cho dù trái đất ngừng quay thì chúng ta vẫn ở bên nhau.
Cho nên khi anh chàng nào mà ngỏ lời một ai đó, nếu bạn nhận được câu trả lời của đối phương là câu ca dao như trên hoặc tương tự như trên thì hãy vui mừng và nhanh chóng đi mua nhẫn cưới ngay đi, rồi mang về mà đeo vào tay của người ta, chậm chễ là bà đem tặng câu ca dao này cho thằng khác đấy.
Các bạn thấy việc dùng mệnh đề toán học phân tích ca dao trong ví dụ như trên có hợp lý không? Có logic không? Vì đây chỉ là quan điểm cá nhân nên các bạn có thể cũng trao đổi và chia sẻ quan điểm của mình trong phần thảo luận bên dưới nhé. Hy vọng chúng ta có thêm nhiều cái nhìn mới.
Nói tóm lại thì “Chạch có đẻ ngọn đa, Sáo có đẻ dưới nước hay không lúc này không quan trọng, điều quan trọng là Ta vẫn lấy mình”. Đó là xét trên mệnh đề toán học. Thế còn ngoài thực tế thì sao, câu nói này có còn đúng không? Các bạn hãy đọc tiếp câu truyện này bên dưới nhé.
4. Thực tế của câu ca dao
Câu ca dao này thường được người ta hiểu là một lời từ hôn (mang tính cách kênh kiệu), dựa vào sự kiện không thể xảy ra để thách thức, từ chối lời cầu hôn của những người đeo đuổi. Chạch là một loài cá thân dài, tương tự như lươn, sống vùng nước cạn hay bùn lầy. Vì là cá nên chạch không thể sống xa nước, huống chi là đẻ trứng trên ngọn cây đa. Ngược lại, sáo là một loài chim thường thấy ờ vùng quê Việt Nam. Là loài chim nên sáo không thể xuống dưới nước đẻ trứng được.
Tuy nhiên, thực ra câu thơ trên chính là ca ngợi sự thông minh, sáng tạo và lòng kiên nhẫn được thúc đẩy bởi tình yêu chân thật của con người.
Chuyện kể rằng: ở vùng nọ có một cô gái rất đẹp, con một ông Bá Hộ. Cô đang tuổi cặp kê nên có biết bao nhiêu chàng trai quanh vùng thầm yêu, trộm nhớ, ngày đêm mơ việc giương cung bắn sẻ. Cô nàng từ nhỏ sống trên nhung lụa nên coi thường mọi người, vẫn không thèm để mắt đến một ai. Để thách thức mọi người, cô nàng đã đưa ra câu đố, nếu ai giải quyết được thì sẽ chấp nhận kết hôn, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn.
“Bao giờ chạch đẻ ngọn đa,
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình”.
Bao nhiêu chàng trai trước đây trồng cây si nhưng trước câu đố quá hóc búa đều phải chịu bỏ cuộc, đi tìm vợ khác. Duy chỉ có một chàng tá điền mồ côi quyết tâm âm thầm nhận sự thách thức. Anh ta đã bỏ biết bao thời gian và công sức học hỏi kinh nghiệm của các bô lão cũng như tìm hiểu trên thực tế về tập quán sống của giống cá chạch và loài chim sáo. Sau đó, anh ta tìm cách nuôi và phối giống các loài này.
Trải qua mấy năm trời với bao nhiêu thất bại tưởng chừng làm anh nản chí nhưng tình yêu và lòng tự tin đã thúc đẩy anh phải đạt tới mục đích. Cuối cùng, anh ta đã thành công trong việc gây sinh sản loài cá chạch trong môi trường nhỏ hẹp nghĩa là trong một bồn nhỏ đặt trên ngọn cây đa. Việc nuôi chim sáo dưới nước lại càng khó khăn hơn vì anh phải đóng một cái thùng đặt dưới nước, đặt lồng chim vào đó và hàng ngày bơm không khí vào.
Không ngờ vật đổi sao dời, bao năm qua biến cố đã xảy ra cho gia đình cô gái. Ông Bá Hộ đột nhiên lâm bệnh nặng, sau thời gian điều trị hao tài tốn của đã từ trần. Bà Bá Hộ buồn rầu rồi cũng mất theo chồng. Cô gái giờ đây gia tài khánh kiệt phải đi cấy lúa thuê kiếm sống.
Anh tá điền đem thành quả của mình tìm lại người xưa. Đôi bên gặp nhau trong sự ngỡ ngàng. Cảm động trước tấm chân tình của chàng trai, cô gái đã đồng ý trao duyên. Hai người sống chung thật là hạnh phúc. Với kiến thức chăn nuôi anh chàng đã thu thập được trong thời gian qua hai vợ chồng nuôi gà, vịt, cá rồi dần dần tậu trâu bò, ruộng vườn và sống cuộc đời sung túc.
Câu chuyện nói lên rằng trên đời không có gì là khó, một khi ta có quyết tâm và kiến thức thì ta có thể làm được tất cả mọi việc kể cả những việc mà ta cứ tưởng chỉ có trong mơ.
5. Lời kết
Câu ca dao trên dù được phân tích trong toán học hay được sử dụng trong thức tế cuộc sống thì nó vẫn luôn luôn đúng. Vì vậy nếu sau này các bạn có muốn từ chối lời cầu hôn của một ai đó thì đừng có sử dụng câu ca dao này nhé. Vì nếu bạn đem tặng câu ca dao này cho đối phương tức là bạn đã đồng ý người ta làm ý chung nhân rồi đó.
Cảm nhận vui vẻ thế thôi, mục đích của thầy ngoài cái cách giải thích ở trên thì thầy mong muốn chúng ta phải luôn luôn kiên trì, tính nhẫn nại và có hướng phấn đấu. Kết quả sẽ được như mong đợi của chính bản thân các bạn. Chúc các bạn vui vẻ và có thêm bài học bổ ích.
Đầy đủ của bài ca dao trên là:
“Bao giờ chạch đẻ ngọn đa,
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình.
Bao giờ rau diếp làm đình,
Gỗ lim ăn gỏi thì mình lấy ta”.
SUB ĐĂNG KÍ KÊNH GIÚP THẦY NHÉ
Tui công nhận thầy siêng năng và có tâm huyết.
Nhưng có góp ý thế này:
Thứ 1:Có sai chính tả một số từ dễ,cho thấy thầy học văn hơi dốt.
Thứ 2:Việc thầy phân tích mệnh đề kéo theo như vậy tôi cũng chưa đồng ý.
Bởi vì mệnh đề P=>Q chỉ sai trong trường hợp P đúng còn Q sai,nên tại thời điểm người ta đang nói thì P chưa đúng,P sai.Mà P sai thì Q cũng có thể sai theo hoặc Q đúng cũng được.Tức là câu ca dao không có giá trị từ chối tuyệt đối mà cũng không phải nhận lời.Người nói câu này có thể không chịu hoặc thấy người kia chân tình quá thì đồng ý lấy cũng không ai bắt bẻ được.
Nếu thầy muốn vận dụng mệnh đề kéo theo này tốt hơn,hãy áp dụng cách phân tích của trên vào các câu thề thốt để thấy:
Thằng nào nói láo bị xe đụng.
P:Thằng nào nói láo
Q: Bị xe đụng
Vậy:
Nói láo->Xe đụng (đúng)
Nói thật->Xe không đụng (đúng)
Nói thật->Xe đụng (Đúng)
Thật oan cho thằng nào nói thật.
Vậy là nói láo hay nói thật gì cũng bị xe đụng thôi.
Bạn muốn nói láo hay nói thật???