Bạn luôn bận rộn với công việc làm ăn, buôn bán nên không có thời gian để lo cho con mình hoặc vì một lý do nào đó mà bạn cần phải có một người nào đó để kèm cặp việc học tập của con mình. Bạn rất kỳ vọng vào người giáo viên mà bạn sẽ tuyển về có thể làm thay đổi tình thế!
Bạn luôn dành thời gian để quan tâm tới việc học của con em mình, bạn tìm thật nhiều gia sư riêng, mỗi môn một người. Dạy liên tục Toán, Lý, Hóa, Anh, Sinh….đến mức không có thời gian để cho các em nghỉ ngơi và dĩ nhiên số tiền mà bạn đầu tư vào việc này cũng không phải là nhỏ, thế nhưng kết quả đạt được đã không như bạn mong muốn mà thậm chí còn ngược lại! Tại sao?
Ở đây tôi xin phân tích hai khía cạnh đó là tại sao kết quả học tập của con bạn không được như mong muốn và cách chọn gia sư cho các em học sinh.
Theo tôi sở dĩ có những điều nghịch lý như vậy là vì những lý do chính sau đây:
A. Tại sao kết quả học tập của học sinh không được như ý muốn?
1. PHHS chỉ lo làm kinh tế mà không hề quan tâm đến việc học của con em mình ngay từ đầu.
Thậm chí có nhiều PHHS còn tất bật đến mức mọi sinh họat, ăn ngủ, học tập và đi lại của con em mình đều giao cho người khác lo, còn mình chỉ cung cấp tiền là xong! Theo thời gian các em học sinh lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm và sự quan tâm chính đáng từ phía gia đình, sẵn có tiền nhiều trong túi các em lao vào ăn chơi … và tất nhiên trong trường hợp này kết quả học tập sẽ tỉ lệ nghịch với số tiền mà PHHS bỏ ra.
Tới lúc phát hiện ra kết quả học tập của con em mình xa sút mới tìm gia sư về để mong thay đổi kết quả học tập bằng số tiền mình trả lương hàng tháng cho gia sư! Nhưng không!
Quý PH nên nhớ rằng Giang sơn dễ đổi – Bản tính khó dời và Gia sư không phải là thần thánh có thế hô biến để thay đổi mọi thứ trong đó bao gồm cả tính lười biếng của con bạn đã tích lũy trong người qua một thời gian dài mà ngay cả bạn cũng phải bó tay.
2. Quý phụ huynh quá chủ quan vì nghĩ rằng chỉ cần có người kèm vài bữa là được. Hoặc vì lý do kinh tế mà dù biết rằng con mình học rất yếu và cần phải có gia sư, nhưng để đến những ngày cuối cùng mới tìm người cho đỡ tốn chi phí …
Trong trường hợp này chắc chắn kết quả cũng không được như quý PH mong muốn vì:
+ Việc học đâu phải là “một sáng một chiều“, không một giáo viên nào có thể thay đổi tình hình trong thời gian ngắn một cách mầu nhiệm như vậy cả với lý do như sau:
Giáo viên bắt buộc phải cố gắng “nhồi” cho học trò càng nhiều kiến thức để bổ xung kiến thức “gấp” cho học sinh. Nhưng với kinh nghiệm của bản thân, tôi xin cam đoan với bạn rằng với những học sinh yếu bạn càng “nhồi” bao nhiêu thì học sinh sẽ càng sợ học bấy nhiêu, thậm chí bỏ không học nữa vì nghĩ rằng giáo viên dạy không tốt, cũng là tự nhiên thôi vì có hiểu đâu mà học.
3. Quý phụ huynh quan tâm tới việc học của con em mình không đúng cách
+ Có nhiều PHHS quản lý thời gian của con em mình bằng cách ép các em học ngày học đêm. Mỗi môn một gia sư ngay cả những môn học thuộc các em có thể hoàn toàn học được. Vì phụ huynh nghĩ rằng học như thế con mình sẽ giỏi lên?
+ Trong quá trình làm gia sư của tôi, tôi từng gặp rất nhiều học sinh mà phải nói chỉ cần nhìn sơ qua cái lịch “làm việc” của các em thôi cũng đủ để tôi phải phát hoảng. Sáng học, trưa học, chiều học, tối lại học! Học đến mức càng ngày các em càng giống một cái máy hơn là một đứa học sinh. Giáo viên nói sao chép vậy, chỉ tới đâu làm tới đó không hề có một tý sáng tạo nào hết. Trong khi đó những học sinh ở nông thôn như tôi làm gì có thời gian mà học nhiều vậy, một buổi đi học còn một buổi đi làm.
4. Bệnh thành tích, tính ích kỷ, ghanh tị của một vài giáo viên ở trường đã vô tình biến các em học sinh thành một “cỗ máy” biết nghe lời!
Có một vài giáo viên vì bệnh thành tích, ghanh tị hay vì muốn ép học trò phải đi học thêm mà có những phương pháp giảng dạy và hành động rất “ phi sư phạm” như:
Khi giải một bài toán phải làm giống y chang từ đầu tới cuối, ngay cả cách viết công thức cũng phải giống hoàn toàn theo cách của mình thì mới cho là đúng! Còn nếu làm theo phương pháp khác thì dù có ngắn hơn, hay hơn cũng cho là sai, thậm chí có một vài giáo viên còn sửa đúng thành sai mới lạ!
Tôi đã gặp rất nhiều học sinh cấp 2, cấp 3 trong quá trình học với tôi cứ lặp đi lặp lại những câu đại loại như:
“Cô em nói phải viết như thế này”, “ Thầy em nói phải viết như thế kia”, “Ở trường em không giải theo phương pháp đó”….đến cả cách viết công thức cũng “ Ở trường em bắt phải viết khác”… Tôi tự hỏi sao học sinh bây giờ lại “ngoan” với giáo viên đến thế? Giáo viên mà dạy như thế thì làm sao học sinh sáng tạo được?
Rõ ràng chẳng đứa học trò nào “dám sáng tạo” khi gặp phải những “nhà giáo” như thế, vì sợ trừ điểm! Những nhà giáo này quên rằng lịch sử đã nhiều lần chứng minh rằng đôi khi học trò còn giỏi, thông minh, sáng tạo hơn giáo viên nhiều. Có nhiều lúc học trò đã đưa ra những kết quả chính xác, ngay cả khi giáo viên vẫn chưa kịp suy nghĩ là chuyện bình thường.
Đó là lý do tại sao tôi nói học sinh càng học càng “thụ động” và càng giống một “cỗ máy” biết nghe lời hơn là một đứa học sinh!
B. Tìm gia sư cho con mình như thế nào?
Theo tôi một người thầy giỏi không phải là người nhồi nhét cho học sinh thật nhiều kiến thức trong một đơn vị thời gian, mà phải là người mang đến cho học sinh niềm đam mê, sự mày mò và sáng tạo.
Người đó phải có một liều thuốc đặc trị để làm cho những học sinh yếu ham học trở lại và không sợ kiến thức nữa, từ chỗ ham học tự động các em sẽ giỏi dần lên. Dựa vào các chỉ tiêu chính sau:
1. Kiến thức của gia sư.
Đây là chỉ tiêu quan trọng nhất: Muốn đào tạo một học sinh giỏi thì thầy giáo cũng cần phải có kiến thức tốt. Thầy phải hay thì mới đào tạo được trò giỏi đó là điều hiển nhiên.
2. Cách truyền đạt của gia sư, gia sư giỏi chưa chắc đã là gia sư tốt!
Bạn đừng sai lầm rằng giáo viên sẽ dạy tốt hơn sinh viên, hay sinh viên trường Sư Phạm sẽ dạy tốt hơn Bách Khoa và ngược lại!
Trên thực tế có rất nhiều người có kiến thức rất tốt, tài năng của họ thậm chí được cả thế giới công nhận. Thế nhưng chưa chắc gì họ đã dạy tốt thậm chí là không bằng một người học hành rất bình thường từ những trường bình thường, tôi đã được học những người thầy như vậy. Tại sao? Vì họ truyền đạt quá cao siêu họ xác định không đúng đối tượng để truyền đạt…..dẫn đến chẳng ai hiểu gì cả. Những người này nên làm công tác nghiên cứu của một nhà khoa học sẽ hay hơn là một giáo viên. Điều này đã được thực tế chứng minh.
Vì vậy gia sư tốt cần phải hội tụ cả 2 yếu tố đó là:
+ Gia sư phải giỏi.
+ Cách truyền đạt phải phù hợp.
Thiếu một trong hai yếu tố này thì gia sư đó không phải là một gia sư tốt cho dù họ học trường nào, thành tích của họ ra sao đều không quan trọng.
Do đó quý phụ huynh phải thường xuyên theo dõi cách giảng bài của gia sư sau đó quan tâm trao đổi với con của mình để chọn được những vị gia sư tốt thật sự.
3. Tư cách đạo đức và kế hoạch của gia sư đối với con bạn.
+ Tác phong và tư cách đạo đức của gia sư cũng là một điều không thể bỏ qua được.
Vì gia sư là người gần gũi với con bạn nhất và có ảnh hưởng rất lớn đến con của bạn. Đã có rất nhiều phụ huynh đã phải hối tiếc vì chọn nhầm những vị gia sư này.
+ Theo tôi một gia sư tốt thì phải biết được học trò của mình thuộc đối tượng nào để có kế hoạch và phương án giảng dạy cho phù hợp nhất.
Ví dụ:
+ Học trò yếu mà giáo viên dạy quá “cao siêu” thì cũng không phải là một gia sư tốt dù thực tế họ rất giỏi.
+ Học trò có kiến thức rất tốt trong khi đó gia sư dạy những kiến thức quá tầm thường thì cũng không phải là gia sư tốt.
+ Học trò yếu mà gia sư thì dạy một cách vội vàng, nhồi nhét vì nghĩ rằng cần bổ xung gấp kiến thức cho học sinh thì học sinh sẽ chán học và bỏ ngay tức khắc. ( Vì thường học sinh đã yếu thì có tâm lý sợ học.)
Chính vì thế mà phụ huynh cần phải có những buổi trao đổi thẳng thắng, thân tình xem kế hoạch của gia sư đối với con mình như thế nào? Vì gia sư tốt thì phải có kế hoạch rõ ràng khác nhau cho những đối tượng học sinh khác nhau.
SUB ĐĂNG KÍ KÊNH GIÚP THẦY NHÉ